Hiện thực hoá quyết tâm Chính phủ phi giấy tờ, ít họp hành

(Chinhphu.vn) – Với mục tiêu “liêm chính, kiến tạo, hành động”, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một bộ máy phi giấy tờ, ít họp hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí cho xã hội, người dân và doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan của Chính phủ phải nêu gương làm trước để tạo động lực cho các cấp chính quyền địa phương triển khai.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ký số văn bản phát hành ngay trên thiết bị di động máy tính bảng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Không thể không làm

.Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết việc thực hiện ký số văn bản phát hành trên phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đang được triển khai như thế nào ở VPCP?

.Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử là một nhiệm vụ rất quan trọng phục vụ cải cách hành chính của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

.Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban.

.Điều này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng dành cho việc xây dựng Chính phủ điện tử bởi đây là nhu cầu cấp thiết, một việc “không thể không làm” để thực hiện phương châm Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

.Thời gian vừa qua, tại VPCP, các đơn vị liên quan của VPCP đã phối hợp với Tập đoàn Viettel khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hoàn thiện quy trình xử lý văn bản điện tử, ký số trên các thiết bị di động, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

.Theo đó việc xử lý văn bản điện tử của VPCP được thực hiện theo một quy trình đầy đủ, khép kín hoàn toàn trên môi trường mạng, từ khâu tiếp nhận, phối hợp, xử lý, trình duyệt đến ký, phát hành văn bản.

.Đến nay, tại VPCP, các Vụ, Cục, đơn vị đã hoàn toàn xử lý công việc trên môi trường mạng, lãnh đạo VPCP, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị đã sử dụng thiết bị di động (IPAD) thực hiện ký số phê duyệt phiếu trình giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc.

.Đây là bước tiến rất quan trọng, thể hiện vai trò VPCP là cơ quan hành chính cấp cao ở Trung ương phải đi đầu, gương mẫu trong ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện “VPCP phi giấy tờ”, hướng tới Chính phủ phi giấy tờ.

.Có thể nói xây dựng Chính phủ phi giấy tờ là một sự thay đổi rất lớn về mặt tư tưởng bởi trước đây chúng ta quen dùng giấy tờ truyền thống; doanh nghiệp, người dân phải gặp trực tiếp cán bộ thực thi công vụ; hay đâu đó có việc ký văn bản rồi nhưng vẫn giữ lại chưa phát hành… Một Chính phủ phi giấy tờ sẽ không còn những câu chuyện như thế nữa. Tất cả những vấn đề tiêu cực, lợi ích nhóm hay gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân sẽ được loại bỏ.

.Tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng từ văn bản điện tử

.Vậy việc này đang mang lại hiệu quả cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Từ chỉ đạo của Thủ tướng, để hoàn thiện thể chế trong xây dựng Chính phủ điện tử, từ đầu năm 2018 đến nay, VPCP đã khẩn trương cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tích cực tham mưu xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

.Ngoài ra, còn có: Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cổng dịch vụ công quốc gia; Quyết định số 168/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ: Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025… Đây đều là những hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng Chính phủ không giấy tờ, Chính phủ điện tử.

.Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được khai trương và đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 12/3 vừa qua.

.Đến nay, đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (bao gồm cả Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành địa phương) hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong 2 tháng đầu năm 2019 đã có 12.257 văn bản gửi và 35.360 văn bản nhận điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là số lượng văn bản rất lớn. Tại VPCP, từ ngày 12/3/2019, các văn bản điện tử đã được ký số phát hành đến các bộ, ngành, địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

.Việc thực hiện ký số văn bản phát hành, gửi nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và qua thiết bị di động đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm thời gian, giảm tiêu cực, tạo ra sự công khai, minh bạch, chứng minh cho một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.

.Theo đó, cái được đầu tiên là giảm được nhiều khâu, nhiều thủ tục, không phải giấy tờ in ấn, sao gửi. Bình thường gửi một văn bản từ điểm đầu VPCP xuống địa phương là 2 ngày, giờ chỉ cần ấn nút, trong tích tắc là tới, nhận được ngay và trình luôn, không mất chi phí. Có thể tính bằng giây chứ không phải bằng phút. Văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký “tươi” có dấu đỏ.

.Theo tính toán, riêng tiền photo, giấy, mực, sao chụp, scan… đã tiết kiệm được khoảng 154,3 tỷ đồng. Tiền bưu chính, gửi văn bản hỏa tốc, chuyển phát nhanh… tiết kiệm khoảng 575,2 tỷ đồng. Chi phí về thời gian, tiết kiệm lao động tính sơ bộ theo giá hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới tiết kiệm khoảng 576 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí mà chúng ta phải bỏ ra thì việc sử dụng văn bản điện tử, kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia có thể giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng. Đây đều là những con số biết nói.

.Liệu việc này có thể nhân rộng ra các bộ và địa phương khác không thưa Bộ trưởng, vì có vẻ như nhiều người vẫn còn lo lắng về kinh phí, bảo mật…?

.Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Như cách làm hiện nay tại VPCP đối với phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc là VPCP thuê trọn gói dịch vụ của Tập đoàn Viettel. Tập đoàn Viettel đầu tư và cho VPCP thuê lại từ hệ thống phần mềm, trang thiết bị cho đến quản trị, vận hành, giám sát và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác quản lý do đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của VPCP, không phát sinh thêm kinh phí.

.Có thể nói việc bảo mật an toàn dữ liệu và thông tin là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khi xây dựng Chính phủ điện tử.

.Theo kế hoạch, dự kiến đến quý IV/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (Vietnam Data Exchange Platform – VDX) để kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cũng trong quý IV/2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, tất cả những dịch vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công này.

.Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn tính toán vấn đề an toàn hệ thống và bảo mật dữ liệu. Chúng tôi giao đầu bài cho các nhà đầu tư phải bảo đảm có hệ thống dự phòng, phương án phòng ngừa tấn công của hacker, mã độc… và ngay cả thiết bị ứng dụng, đường truyền phải được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, có sự đánh giá của cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, ADB…

.Với tiến độ như hiện nay, thì khi nào sẽ triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), thưa Bộ trưởng?

.Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Hiện nay VPCP đang gấp rút triển khai và quyết tâm phấn đấu đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào tháng 6/2019, để tiến tới Chính phủ phi giấy tờ.

.Một Chính phủ phi giấy tờ là thay vì họp hành nhiều, dùng văn bản giấy nhiều, các thành viên Chính phủ sẽ trao đổi với nhau trên nền điện tử. Khi đó, tại các phiên họp Chính phủ, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ chỉ bàn những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, hoặc dành thời gian để biểu quyết.

.Khi chúng tôi đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở Estonia, các chuyên gia tại đây cho biết những phiên họp Chính phủ của họ kéo dài nhiều nhất chỉ 30 phút và có những phiên họp chỉ 5-7 phút. Các thành viên Chính phủ đến dự họp để thống nhất vấn đề và ấn nút biểu quyết bằng vân tay. Đây là kinh nghiệm tốt để chúng ta quyết tâm xây dựng Chính phủ phi giấy tờ.

.Hiện VPCP đang phối hợp với Viettel, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng hệ thống e-Cabinet cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá hệ thống này.

.Đây sẽ bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ không giấy tờ, khi đi vào triển khai thực tế sẽ có tính lan toả mạnh mẽ tới các Bộ, ngành, địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ qua Zalo